Đi mẫu giáo là để học hay chỉ để trông trẻ ?

(Bài viết dài – dành cho phụ huynh có con dưới 6 tuổi và giáo viên mầm non)
Cho đến tận bây giờ vẫn có một bộ phận phụ huynh không nhỏ và các trường mầm non kiểu cũ coi việc trẻ đến trường mầm non như là một cách “trông trẻ” để bố mẹ đi làm. Không ít người vẫn cho rằng, trẻ ở độ tuổi mầm non thì ăn được ngủ được là tốt rồi, học hành làm gì cho mệt người ra.
Nhưng bạn có biết, khi một đứa trẻ lên 5 tuổi thì 50% cấu trúc kết nối của não bộ đã được hoàn thiện và với trẻ 8 tuổi thì là 80%. Điều đó đồng nghĩa với việc đứa trẻ ở độ tuổi này đã hình thành cơ bản được tâm lý – nhân cách của mình.
Mẫu giáo là giai đoạn vàng để hình thành và thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở trẻ nhỏ. Trẻ đi học không phải chỉ để được giữ an toàn, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Con cần nhiều hơn thế và đồng bộ ở các khía cạnh: thể chất, nhận thức, kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, tự chăm sóc và thẩm mỹ.
Tuy nhiên, từ thay đổi tư tưởng về mô hình mẫu giáo kiểu cũ chỉ là để trông trẻ tới việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kỹ năng và nhận thức của trẻ không hề dễ dàng.
MẪU GIÁO KIỂU CŨ
Thời trước, phụ huynh phần lớn trưởng thành trong môi trường thiếu thốn, cha mẹ bận rộn lo cơm áo gạo tiền chứ không mấy người quan tâm gửi trẻ đi mầm non thì được học gì. Quan niệm lúc đó là đi nhà trẻ để có người trông nom, giỏi thì thuộc được thơ, hát được vài bài hát, đâu có đặt ra nhiều tiêu chuẩn hay phương pháp gì.
Cho đến hiện tại, dù chương trình giáo dục mầm non đã được cải tiến nhiều, vẫn tồn tại những suy nghĩ cho rằng trường mầm non chỉ là nơi bố mẹ gửi con trong thời gian đi làm, không kỳ vọng và cũng không đánh giá cao những gì trẻ nhận được từ trường lớp.
PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM, KỸ NĂNG XÃ HỘI KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ CÓ THÊM BẠN BÈ
Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ có trí thông minh cảm xúc sẽ có khả năng tập trung trong học tập tốt hơn và tạo dựng những mối quan hệ tích cực hơn.
Giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội chủ yếu được thực hiện tích hợp trong những tình huống thực tế hằng ngày và nó bao gồm: điều chỉnh hành vi và cảm xúc, phát triển tình bạn, mối quan hệ lành mạnh với người lớn, tạo ra bản sắc cá nhân tích cực (biết yêu bản thân và xây dựng sự tự tin), phát triển trí nhớ, sự tò mò đối với thế giới và sự kiên trì.
Trẻ vốn tò mò và chứa đầy cảm xúc. Khi ở bên cạnh những đứa trẻ khác ở trường mẫu giáo và nhận được sự hướng dẫn của giáo viên, con sẽ học cách phản ứng trong các tình huống xã hội và được giúp đỡ để điều hướng cảm xúc của riêng mình.
PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ BIẾT THƯA GỬI HAY CHÀO HỎI
Trẻ em có bản năng xã hội, vì vậy con cần các kỹ năng để truyền đạt ý tưởng và cảm xúc của mình. Kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo có nghĩa là con cần biết khái niệm về chữ, ngữ âm, cần biết cầm bút để vũ, cần biết nói và nghe (tham gia vào các cuộc trò chuyện, hỏi và trả lời câu hỏi, mô tả sự việc, thêm thắt chi tiết, nói rõ ràng…).
Phát triển ngôn ngữ cần được ưu tiên trong bất kỳ chương trình mầm non nào bởi vì kỹ năng ngôn ngữ ảnh hưởng trực tiếp tới việc học của con sau này. Thầy cô giáo không cần phải dạy trẻ đọc nhưng cần phải đọc cho trẻ nghe hàng ngày, dạy con cách phát âm cũng như chuẩn bị cho con học cách đọc, viết một cách dễ dàng.
PHÁT TRIỂN THẨM MỸ KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ VẼ MỘT BỨC TRANH, HÁT MỘT BÀI HÁT
Giáo dục nghệ thuật giúp trẻ hình thành nhận thức, hứng thú với cái đẹp trong thiên nhiên, đời sống và nghệ thuật, góp phần bồi đắp tư duy sáng tạo và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Lứa tuổi mầm non với độ nhạy cảm cao, trí tưởng tượng chưa bị giới hạn là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu giáo dục thẩm mỹ. Từ lâu, các trường mầm non đã thực hiện giáo dục nghệ thuật qua những tiết học tạo hình, tô màu, vẽ tranh, hát nhạc, múa v.v.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một quan niệm sai lầm rằng giáo dục nghệ thuật chỉ là một phần phụ, chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư như ở những khía cạnh phát triển còn lại. Với nhiều trường mầm non, tiết học vẽ diễn ra còn khá đơn điệu và nhàm chán, chưa có giáo trình bài bản và hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và trình độ của giáo viên mầm non. Đây là một bất cập rất lớn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học tập của trẻ em mầm non trong các bộ môn về sáng tạo, cảm xúc.
Thay vì cách tiếp cận còn xuề xòa như hiện nay, giáo dục nghệ thuật ở lứa tuổi mầm non cần tập trung nhiều hơn tới những trải nghiệm thực tế và tôn trọng sự sáng tạo ở trẻ. Các hoạt động nghệ thuật cần được tổ chức theo hướng “học mà chơi, chơi mà học” để tạo hứng thú.
Bài tập nghệ thuật không phải là một “việc phải làm”, tác phẩm của trẻ không bị đánh giá “đúng – sai”, tất cả phải tạo nên một không gian để trẻ tự do sáng tạo và mọi ý tưởng đều được tôn trọng.
VẬY ĐIỀU GÌ LÀ QUAN TRỌNG NHẤT?
Câu trả lời ngắn gọn là không có kỹ năng hay khía cạnh nào là quan trọng nhất. Tất cả những kỹ năng và sự phát triển này đều quan trọng như nhau đối với sự phát triển của một em bé mẫu giáo. Chúng có sự liên kết, tương tác và bổ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn như vận động thể chất lành mạnh và đủ đầy sẽ giúp cho các vận động tinh (như cầm bút) chính xác hơn, hỗ trợ kỹ năng viết và ngôn ngữ cũng như quá trình trẻ áp dụng những kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
Trường mẫu giáo là nơi chăm sóc trẻ ít nhất 6 – 8 giờ mỗi ngày. Đó không nên chỉ là nơi trông trẻ đơn thuần mà nên là một môi trường giáo dục thật sự toàn diện để trẻ vui chơi, học tập, tận hưởng, khám phá và lớn lên mỗi ngày. Đó chính là cánh cửa đầu tiên để con vững vàng hơn trước khi bước ra thế giới, bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình và cha mẹ.
Nguồn: st
May be an image of 2 people

Leave Comments

0947 009 172
0947 009 172